Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Sáu (25/01), được hỗ trợ nhờ những lo ngại về nguồn cung liên quan đến Venezuela, nhưng sự gia tăng nguồn cung dầu thô tại Mỹ đã khiến giá dầu suy giảm trong tuần qua, MarketWatch đưa tin.
Sự chú ý của thị trường vẫn tập trung vào Venezuela, khi mọi ánh mắt đổ dồn về những động thái tiếp theo đối với lãnh đạo phe đối lập Juan Guiado, trong khi lãnh đạo quân đội nước này thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex tiến 56 xu (tương đương 1.1%) lên 53.69 USD/thùng, nhưng vẫn mất 0.7% trong tuần qua.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn cộng 55 xu (tương đương 0.9%) lên 61.64 USD/thùng. Dẫu vậy, tuần qua, hợp đồng này vẫn giảm 1.7%.
“Căng thẳng leo thang có thể làm dấy lo ngại rằng Mỹ có thể áp các lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ Venezuela, đe dọa làm phức tạp vai trò của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cân bằng nguồn cung dầu toàn cầu”, Jasper Lawler, Giám đốc nghiên cứu tại London Capital Group, nhận định. “Với các lệnh trừng phạt Iran, các biện pháp cấm vận tiếp theo được áp dụng lên Venezuela có thể đẩy giá dầu tăng rất nhanh khi nguồn cung được thắt chặt hơn nữa”.
Mỹ đã đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Venezuela, điều này có thể làm ảnh hưởng sâu sắc đến xuất khẩu nước này. Được biết, Mỹ nhập khẩu 17.7 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu từ Venezuela trong tháng 10/2018, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy.
Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh những diễn biến ở Venezuela có tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều đối với thị trường dầu khi nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong năm nay.
Trong khi đó, EIA hôm thứ Năm (24/01) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/01/2019, mức tăng cao nhất trong 2 tháng. Con số này hoàn toàn trái ngược với dự báo giảm 600,000 thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Với đà tăng này, dự trữ dầu thô tại Mỹ hiện đã cao hơn 8% so với mức năm ngoái và 2.8% so với mức chuẩn 5 năm, các nhà phân tích tại PVM Oil Associates cho hay.
Ngoài ra, cũng trong ngày thứ Năm (24/01), báo cáo triển vọng năng lượng thường niên của EIA dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục cho đến giữa những năm 2020 và sẽ vẫn cao hơn 14 triệu thùng/ngày cho đến năm 2040.
Bên cạnh đó, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, một gợi ý về hoạt động sản xuất trong tương lai, tăng 10 giàn lên 862 giàn trong tuần này. Báo cáo này cũng cho biết Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng vào năm 2020 khi sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng và tiêu thụ nội địa các sản phẩm dầu mỏ giảm.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 2 nhích 0.1% lên 1.389 USD/gallon, nhưng vẫn sụt 4.4% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 tiến 0.3% lên 1.892 USD/gallon. Tuần qua, hợp đồng này đã mất 1.3%.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 2 cộng 2.6% lên 3.178 USD/MMBtu, dẫu vậy, vẫn giảm 8.7% trong tuần qua.
Nguồn: An Trần