Giá dầu đã biến động rất mạnh trong năm nay. Dẫu vậy, kể từ tháng 6/2017, trong bối cảnh các yếu tố nhu cầu cơ bản đã góp phần hỗ trợ giá dầu và khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng vững mạnh, thì triển vọng dầu cũng trở nên tươi sáng hơn.
Dữ liệu PMI Caixin ảm đạm của Trung Quốc trong tháng 5/2017 – vốn cho thấy sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất của các công ty có quy mô vừa và nhỏ – đã khởi đầu cho làn sóng bán tháo nặng nề và bất ngờ trên thị trường dầu. Rủi ro tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể chững lại là quá lớn đến nỗi các chuyên viên giao dịch dầu không thể ngó lơ, và vì thế, giá dầu bắt đầu trượt dốc. Tuy nhiên, kể từ đó, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã có dấu hiệu khả quan hơn và vẫn đang trên xu hướng mở rộng. Nhờ đó, triển vọng của nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã được cải thiện.
Đây là môt tuần khả quan đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2017 và 2018 thêm 0.1% lên tương ứng là 3.6% và 3.7%. Quan trọng hơn nữa, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2017 và 2018. Và trước đó, cơ quan này từng nâng dự báo của Trung Quốc 1 lần trong tháng 7/2017.
Do có sự hoài nghi lớn về các con số GDP của Trung Quốc, nên tác giả đã xem xét chỉ số PMI Caixin để đo lường tình trạng sức khỏe của hoạt động sản xuất nước này, và tác động của nó đến nhu cầu và giá hàng hóa. Tuy nhiên, chính 2 lần nâng dự báo liên tiếp của IMF đối với GDP Trung Quốc đã góp phần đưa ra bằng chứng cho thấy PMI Caixin và các dữ liệu khác đang dần được cải thiện. Điều này đóng vai trò rất quan trọng đối với giá dầu và các hàng hóa công nghiệp.
Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật trong giao dịch, và tăng trưởng toàn cầu ngày càng cải thiện, nguồn cung dầu cũng trở thành yếu tố tác động tích cực đến giá dầu. Dự trữ hàng hóa này ngày càng giảm sút và khả năng nguồn cung dầu toàn cầu cũng lao dốc là khá cao. Đó là nhờ sự tuân thủ nghiêm ngặt của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với thỏa thuận cắt giảm sản lượng – vốn đã bắt đầu từ đầu năm 2017. Hơn nữa, báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu khí nội địa đang giảm sút.
Bên cạnh mức giảm khiêm tốn của dự trữ dầu thô và xăng, nguồn cung các sản phẩm chưng cất ở Mỹ (bao gồm cả dầu sưởi và dầu diesel) giảm 14.7% so với mức trong năm 2016, và còn thấp hơn cả mức bình quân trong giai đoạn 2012-2016. Sự suy giảm này có thể đảm bảo rằng sự thay đổi trong dự trữ dầu khí ở Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong suốt mùa Đông năm nay. Trên thực tế, sự biến động của dự trữ các sản phẩm chưng cất là một trong những điểm nhấn của Báo cáo Thị trường Dầu Tháng 10 (OOMR) của OPEC.
Trong khi đó, mẫu hình giao dịch của giá dầu WTI cũng góp phần vào bức tranh lạc quan của thị trường dầu. WTI khép lại quý 3 đầy biến động, khi sự gián đoạn của hoạt động lọc dầu (vì các cơn bão) đã làm giảm nhu cầu dầu lúc đầu, nhưng tác động của cơn bão Harvey sau đó lại làm gia tăng lợi nhuận lọc dầu. Điều này đã khuyến khích nhu cầu tinh chế dầu thô tăng cao và nhờ đó, giá dầu cũng leo dốc.
Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật xu hướng cũng cho thấy tín hiệu tích cực. Cùng với triển vọng lạc quan hơn ở Trung Quốc, triển vọng của giá dầu đang trở nên cực kỳ tươi sáng.
theo tin: (http://vietstock.vn/2017/10/da-tang-cua-gia-dau-khong-chi-la-nhat-thoi-34-562648.htm)