Nhà đầu tư cũng tập trung chú ý đến những diễn biến ở Venezuela, nơi mà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido kêu gọi nhiều cuộc biểu tình công khai hơn và tùy viên quốc phòng của nước này tại Mỹ lên tiếng ủng hộ Tổng thống tự phong.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex sụt 1.70 USD (tương đương 3.2%) xuống 51.99 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn mất 1.71 USD (tương đương 2.8%) còn 59.93 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 14/01/2019, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hôm thứ Sáu (25/01), dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 10 giàn lên 862 giàn trong tuần, sau khi giảm 21 giàn trong tuần trước đó. Tổng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã tăng 9 giàn lên 1,059 giàn, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy.
“Số giàn khoan dầu quay đầu tăng trở lại cho thấy sự suy giảm vừa phải trong sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ trong ngắn hạn”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu tại Schneider Electric, nhận định.
Tuy nhiên, “Venezuela vẫn là quốc gia quan trọng cần theo dõi sát trong những tuần tới. Hiện tại, có dấu hiệu hạn chế cho thấy rằng bất ổn chính trị đã lan đến sản xuất dầu, vượt qua sự suy giảm hiện nay. Rủi ro chính bắt nguồn nhiều hơn từ khả năng áp các lệnh cấm vận có mục tiêu từ Mỹ, vốn vẫn là nơi nhập khẩu phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu dầu tại Venezuela”, ông Fraser cho biết.
“Tổng thống lâm thời” tự phong Juan Guaido là thách thức lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong nhiều năm qua. Ông Guaido đã kêu gọi các lực lượng quân sự của nước này quay lưng với chính phủ, hứa hẹn họ sẽ được ân xá. Tùy viên quân sự Jose Luis Silva đã bị ông Maduro gán tội danh “kẻ phản bội” sau khi ông này quay lưng với chính phủ và kêu gọi các sĩ quan quân sự khác ủng hộ lãnh đạo phe đối lập.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như trở nên tồi tệ hơn vào ngày thứ Hai, làm tăng dự báo về sự suy giảm nhu cầu năng lượng. Theo đó, Trung Quốc đã đệ trình đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra về về việc Mỹ áp thuế đối trị giá 234 tỷ USD đối với hàng hóa nước này, Reuters đưa tin. Được biết, các cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức cấp cao từ 2 nước dự kiến bắt đầu trong tuần này tại Washington.
Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Năm (24/01) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/01/2019.
Từ đầu năm đến nay, dầu WTI đã tăng 14%. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh đã đồng ý vào cuối năm 2018 sẽ cắt giảm sản lượng 1.2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019 để kìm hãm tình trạng dư cung và thúc đẩy giá dầu.
Ả-rập Xê-út lên kế hoạch sản xuất khoảng 10.1 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2019 – thấp hơn rất nhiều so với hạn ngạch nước này cam kết là 10.33 triệu thùng/ngày, Bộ trưởng Năng lượng nước này Khalid al-Falih cho biết trong một cuộc phỏng với với kênh truyền hình Bloomberg Television.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 2 sụt 4.1% xuống 1.333 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 mất 2.9% còn 1.838 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 2 rớt 8.4% xuống 2.911 USD/MMBtu, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018.
Nguồn: Vietstock